Các em học sinh thân mến!
Tôi muốn nói
đến những Chuyện hoa chuyện quả của bác Phạm Hổ.
Chúng ta đều
biết khoa học tự nhiên ngày nay đã tiến những bước rất dài trong sự giải thích
thế giới, giải nguồn gốc vũ trụ, nguồn gôc của sự sống. Từ những hiểu biết cực
kì sâu sắc về sự trao đổi chất ( mitabalisme ) và chất anbumin đầu tiên kì lạ
cho đến thuyết tiến hóa và cạnh tranh sinh tồn tàn khắc của Đăcuyn. Từ “ ba
phút đầu tiên” của vụ nổ lạ lùng thuở trời đất sơ khai cho đến thuyết vũ trụ nở
rộng hay co hẹp...Đó là những thành tựu tuyệt vời của trí tuệ con người, khiến
chúng ta cứ mỗi lần nghe đến, nghĩ đến lại kinh ngạc và kính phục... Nhưng mặc
dầu tất cả những khám phá, phát minh ghê gớm đó, hình như vẫn cứ còn bao nhiêu
điều lạ và bí ẩn, mà lại ở ngay đây, gần gũi, tầm thường trong đời sống hàng
ngày. Vẫn còn đau khổ và hạnh phúc. Vẫn còn cái điều lạ mà bác Phạm Hổ đã nói rất
hay trong Sự tích trái Loonong Boong của anh. Khi con bị đánh ở đâu thì
người mẹ cũng thấy đau ở đấy và đau rát gấp mấy lần con. Vẫn còn người tốt thì
thường bị oan ức và đau khổ, kẻ xấu lại cứ sống trơ trơ giữa đời. Tại sao sợi
mây bay trên trời trắng muốt mịn màng lại giống hệt sợi bông trong trái bông vải
trong vườn thế? Tại sao con tép dưới biển lại kéo nhau lên nằm trong quả bưởi,
kĩ thế, cũng có bưởi đỏ, bưởi trắng?... Có sự liên hệ nào chăng giữa tất cả những
cái đó? Và ai? Cái gì làm nên sự liện hệ ấy?
Bỗng nảy ra một
sự hoài nghi nghe vậy mà nghiêm trang: chắc gì thế giới này được tạo nên chỉ bởi
“ vụ nổ vũ trụ đầu tiên”, chất anbumin và luật cạnh tranh sinh tồn tiến hóa!
Xin lỗi bác
Phạm Hổ, tôi muốn nói hơi to tát một chút: Dường như tác giả Chuyện
hoa chuyện quả đang muốn đưa ra một lý thuyêt khác về nguồn gốc của
muôn loài. Tôi nói với các em: các em ạ, thế giới quanh ta muôn vẻ kì lạ kì diệu
như vậy, tất cả do con người làm ra cả đấy. Nguồn gốc của muôn loài chính là
tình yêu, tình thương và lòng tốt của con người. Ở cuộc đấu tranh giữa cái tốt
và cái xấu, giữa tình thương và sự bạc ác, giữa cái thiện và cái ác, cuộc đấu
tranh gian nan của con người. Chính cuộc
đấu tranh lâu dài ấy nối liền tất cả những cái kia lại, sợi mây trên trời và sợi
bông trong trái vải, hình dáng khum khum của nải chuối và bàn tay mũm mĩm của
các em, con tép dưới biển và tép bưởi trắng, hồng trên cây, cây kim của mẹ ngày
đi làm mệt nhọc, đêm về cặm cụi may chiếc áo mới cho con và cây hoa cỏ may trên
đồng nội, màu đỏ chói mà lại mát rượi của hoa râm bụt và hình dáng chiếc ô che
nắng ngày hè...
Chớ hững hờ
chút nào khi ăn một múi mít ngọt lịm thơm lừng, khi ngắm một cành đào thắm như
ngày Tết, khi nhìn một nải chuối vàng giữa chợ, khi lúi cúi gỡ những chiếc kim
cỏ may li ti trên gấu quần sau một buổi rong chơi...
Đó đều là dấu
vết, là thành quả cuộc đấu tranh lâu dài của con người. Mỗi lần con người thắng,
cái thiện thắng cái ác, lòng trung hiếu thắng sự bạc nghĩa vô ơn, tình thương
thắng hận thù, sự quên mình thắng thói ích kỉ, sự siêng năng thắng thói lười
nhác... thì y như rằng một loài hoa đẹp, một thứ quả lạ ra đời!
Đây là “ lý
thuyết” mới của bác Phạm Hổ về nguồn gốc muôn loài quanh ta. Đây không phải chỉ
là một đề tài. Đây là một chủ đề, thú vị và nghiêm túc.
Cô hy vọng cuốn sách này sẽ là
tác phẩm thu hút sự chú ý của các em. Các em hãy tìm đọc cuốn sách này tại thư
viện trường mình nhé!
Cô giáo: Phạm Thị Thúy – Trường Tiểu học Ngô
Gia Tự